CHI PHÍ THỰC BAO NHIÊU ĐỂ CÓ GIẤY PHÉP LÁI XE ÔTÔ

Mức học phí các cơ sở đào tạo lái xe ô tô chỉ dao động khoảng 5 - 6 triệu đồng, nhưng để có giấy phép lái xe (GPLX), người học phải chi không ít “chi phí ngầm” tăng thêm.

vinamotor safe drive

Học viên được hướng dẫn thực hành bài thi sa hình tại Trường Trung cấp nghề GTVT Hưng Yên - Ảnh: Tạ Tôn


“Đội giá” đào tạo GPLX

Theo Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, thời gian học lý thuyết hạng B2 hiện là 168 giờ và thời gian đào tạo thực hành của một học viên là 84 giờ. Tuy nhiên, nhiều học viên cho biết, họ thường không được học đủ số giờ thực hành này.

Tại bãi tập lái xe dưới chân cầu Thanh Trì (Hà Nội), anh Nguyễn Thanh Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ với PV Báo Giao thông: “Toàn khóa, tôi chỉ học được 6 giờ thực hành, còn lại phải thuê xe và thày học ngoài giờ tập thêm với mức khoảng 150.000-200.000 đồng/h. Bên cạnh đó, trước khi thi, còn phải thuê chip tại sân sát hạch để tập cho quen với mức từ 350.000 đồng/h”.

"Để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, chúng ta nên khuyến khích các trung tâm đào tạo tính đúng, tính đủ và chất lượng đào tạo được nâng cao. Học viên chỉ phải trả chi phí một lần cho trung tâm, được học đầy đủ chương trình hiện nay thì hoàn toàn có thể tự tin lái xe ra đường."

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Cũng theo anh Hải, việc dạy và học Luật GTĐB tại cơ sở rất lơ là, không được chú trọng, không phải đến lớp, học viên tự học được đến đâu thì học. Trong quá trình học, còn phải đóng nhiều khoản chi không tên khác như: Bồi dưỡng thày sau mỗi giờ tập, mời thày ăn uống, thuê thày dạy kèm. “Thực tế, tổng chi phí để có GPLX “đội” lên khoảng 15 triệu đồng”, anh Hải nói.

Tương tự, anh T.D. (Cầu Giấy, Hà Nội) - người vừa học xong bằng lái xe ô hạng B2 phàn nàn: “Qua quen biết, tôi đăng ký học với một giáo viên mà không đăng ký ở trung tâm, mọi thủ tục do giáo viên “lo” hết. Sau khi đóng 6 triệu đồng cho trung tâm, đến phần học thực hành, giáo viên không dạy ở trung tâm đã đăng ký mà đưa đến một bãi tập khác để thực hành sa hình. Mỗi buổi như vậy, tiền phí thuê sân bãi, tiền bồi dưỡng thày, ăn uống cũng mất khoảng 250.000 đồng. Một xe có 3-4 người học cùng góp tiền chứ học một người một xe sẽ mất nhiều hơn con số đó. Đó là trong sa hình còn khi đi dã ngoại đường trường chi phí còn mất nhiều hơn”, anh D. than thở.

Khảo sát của PV, đa số các trung tâm đào tạo đưa ra những mức giá cho gói đào tạo bằng lái ô tô hạng B2 trung bình từ 5 - 6 triệu đồng. Nhìn nhận về mức giá này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, với mức giá trung bình thị trường, một giờ thuê xe và thày hướng dẫn thực hành là 200.000 đồng, cộng với các chi phí hồ sơ thi, đào tạo lý thuyết, cơ sở vật chất, chỉ cần làm một bài toán nhỏ có thể thấy mức giá học bằng lái xe các trung tâm đưa ra là “không tưởng” và không thể có chất lượng tốt được.

“Với mức thu thấp như vậy, để bù “bù lỗ”, các trung tâm “đá bóng” công tác đào tạo cho giáo viên, họ chỉ là khâu trung gian. Điều đáng nói, giáo viên chỉ lấy danh ở cơ sở đào tạo, họ tự tìm học viên, tự đào tạo, chỉ khi đến kỳ sát hạch mới đến trung tâm. Trong khi đó, chúng ta chưa giám sát được thời gian học thực hành của học viên, dẫn đến tình trạng cắt xén giờ học thực hành, cho ra đời những lái xe chất lượng kém, có bằng nhưng không dám lái xe ra đường. Học viên muốn lái được phải thuê xe tập thêm, thuê thày, bồi dưỡng cho thày dẫn đến chi phí đội lên rất nhiều so với mức giá 6 triệu đồng cứng đóng cho trung tâm”, ông Thanh phân tích.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong môi trường cạnh tranh hiện nay giữa các trung tâm, tạo ra mặt bằng giá không phù hợp, nhiều trung tâm phá giá thị trường, thu chi phí đầu vào thấp. Điều này dẫn đến thu không đủ bù đắp chi phí, đào tạo mang tính chất hình thức, học sinh có bằng nhưng không lái được xe. “Giá đào tạo lái xe cũng tương tự như nhiều trường hợp trong đấu thầu, bỏ thầu rẻ sau đó lại đội giá, trong quá trình học, học viên phải tự đổ xăng, “bao” giáo viên ăn uống, học viên muốn lái tốt phải thuê thày dạy thêm, học xong mất 15 triệu đồng lái xe vẫn run”, ông Long nói.

Honda Vinamotor

Khu vực thực hành kỹ năng xử lý các tình huống khi lái xe trên đường trơn trượt tại Trung tâm Đào tạo lái xe Honda - Ảnh: K.Linh

Nên theo giá thực

Nhiều ý kiến cho rằng, chi phí trong đào tạo bằng lái xe ô tô cần theo đúng theo nguyên tắc của thị trường, khách hàng trả tiền để nhận lại chất lượng sản phẩm tương ứng.

Tìm hiểu của PV, hiện cũng đã có những mô hình đào tạo đi theo xu hướng này. Đơn cử, Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn thuộc Công ty Honda Việt Nam, với mức học phí thu 6,9 triệu đồng đối với khóa hạng B1 và 7,9 triệu đồng đối với hạng B2. Mức giá này chưa bao gồm tiền xăng xe và các khoản khác. Cộng với sự hỗ trợ từ Honda Việt Nam, học viên không phải đóng thêm bất kỳ khoản nào khác và được học đầy đủ nội dung chương trình theo quy định.

“Mỗi khóa trung tâm chỉ đào tạo tối đa 30 học viên và giáo viên thuộc “biên chế” của Honda và được trả với mức lương bình quân 15 triệu đồng/tháng. Giáo viên được quản lý, đánh giá chất lượng dạy chặt chẽ và không được nhận bất kỳ khoản “bồi dưỡng” nào của học viên. Giáo viên vi phạm nhận “bồi dưỡng” của học viên tùy mức độ sẽ bị xử lý nghiêm. Trung tâm chỉ dạy 1 học viên một xe, một thày, nếu tính toán đủ, bao gồm cả phần hỗ trợ từ Honda, chi phí lên tới 15 triệu đồng/học viên/khóa. Honda đã hỗ trợ một phần chi phí cho học viên để phù hợp với giá các trung tâm khác trên địa bàn”, lãnh đạo Trung tâm Đào tạo lái xe Honda cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, Nhà nước không quản lý về giá đào tạo lái xe mà giao cho các cơ sở đào tạo tự xây dựng mức giá, sau đó công bố công khai và báo cáo cơ quan quản lý. “Do đây là giá dịch vụ nên học viên muốn học nhiều, chất lượng dịch vụ tốt, cơ sở đào tạo tự xây dựng mức giá tương ứng. Mức giá ban đầu cơ sở đào tạo thu có thể chưa đủ nên trong quá trình học học viên muốn học thêm trung tâm lại thu tiền ngoài hợp đồng”, ông Thống nói.

Cũng theo ông Thống, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ VN sẽ sử dụng công nghệ để giám sát chặt chẽ quá trình đào tạo, thời gian học thực hành của lái xe. Khi đó, các cơ sở đào tạo sẽ phải tính đúng, tính đủ thời gian, số km trên đường và giá đào tạo sẽ là giá thực sự.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

GALLERY

VIẾT NHẬN XÉT