XE KINH DOANH VẬN TẢI CẦN CÓ MÀU BIỂN SỐ RIÊNG

Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa đề xuất bổ sung quy định vào Luật GTĐB các loại xe kinh doanh vận tải mang biển kiểm soát riêng nền màu vàng, chữ màu đen để dễ phân biệt với xe cá nhân.

Xe kinh doanh vận tải

Khó nhận diện vi phạm

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, cần quy định màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải. Trong đó, chuyển tất cả các xe đang chạy kinh doanh vận tải sang màu vàng để dễ quản lý.

Lý giải về kiến nghị của mình, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, hiện tất cả phương tiện đều được cấp chung biển số màu trắng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, loại hình kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ hoạt động như taxi phát triển ồ ạt, số lượng lên đến gần 100 nghìn xe.

Loại phương tiện này chưa có nhận diện rõ ràng nên CSGT và các lực lượng chức năng khó phát hiện để xử lý vi phạm như: Đi vào các tuyến phố cấm taxi và xe hợp đồng, hoạt động trái phép tại các sân bay, kinh doanh khi chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. “Tình trạng trên gây ùn tắc và cạnh tranh bất bình đẳng với taxi truyền thống, thất thu cho ngân sách, đồng thời cũng gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng khi điều tiết giao thông và xử lý vi phạm”, ông Hùng nói.

“Để thuận lợi cho công tác quản lý, giúp lực lượng chức năng dễ dàng nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải, đặc biệt là phương tiện vận tải dưới 9 chỗ, tránh thất thu thuế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch nên quy định tất cả phương tiện kinh doanh vận tải có màu biển số riêng, nền biển màu vàng, chữ và số màu đen. Để tạo điều kiện thuận lợi khi chuyển đổi biển số, phải cắt giảm thủ tục; chỉ đổi màu của biển số, vẫn giữ nguyên số cũ; miễn chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện đổi biển”, ông Hùng đề xuất.

Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, đây là giải pháp tốt để quản lý xe dù, bến cóc. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Với số lượng lớn xe kinh doanh vận tải trong cả nước, khi thay đổi doanh nghiệp sẽ mất chi phí lớn do mất nhiều thời gian đăng ký lại biển số, các thủ tục tại ngân hàng và xe phải dừng kinh doanh.

“Ngoài việc giảm chi phí thay biển kiểm soát nền màu vàng, chữ đen, cần có giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề bình đẳng trong kinh doanh giữa các loại hình vận tải, có sự bình đẳng về thuế và phải thay thế được nhiều thủ tục hành chính hiện nay như phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh”, ông Thanh nói.

Sẽ đưa vào Luật

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, việc quản lý phù hiệu, biển hiệu giữa các loại hình kinh doanh vận tải đang không có sự minh bạch. Xe kinh doanh vận tải được cấp phù hiệu lên đến 7 năm, nên rất khó kiểm soát đối với xe vận tải hàng hóa hay hợp đồng. Khi phù hiệu bị mờ hoặc lái xe không dán phù hiệu sẽ làm khó lực lượng chức năng do không biết được xe đó có kinh doanh vận tải hay không để xử lý.

“Lần sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB lần này cần bổ sung quy định màu, biển số riêng đối với các loại xe kinh doanh vận tải để phân biệt với xe cá nhân”, ông Huyện nói.

“Hiện, xe của cơ quan quản lý nhà nước có biển màu xanh, xe quân đội có biển màu đỏ, còn lại xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân đang có chung màu biển trắng. Vì thế, khi xe kinh doanh vận tải vi phạm rất khó cho lực lượng chức năng phát hiện để xử phạt, nhất là đối với xe hợp đồng. Khi quy định màu biển riêng, lực lượng chức năng sẽ biết ngay đó là xe kinh doanh vận tải, dễ dàng xử phạt phương tiện vi phạm, giúp cơ quan quản lý thuận lợi trong tổ chức, điều hành giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải”, ông Huyện cho hay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, tuy trên xe kinh doanh vận tải như taxi ở VN đã có nhiều loại giấy tờ để nhận diện nhưng các nước không quản lý như Việt Nam. Theo Thứ trưởng, những nước phát triển và ngay cả các nước đang phát triển cũng quy định màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải, tất cả xe kinh doanh đều quy định màu biển vàng và chữ riêng nên rất dễ quản lý.

“Sau này có khi có hệ thống camera sẽ giám sát được hành vi vi phạm của xe kinh doanh vận tải, hạn chế việc phải dùng nhiều nhân lực để kiểm tra, giám sát. Đây là xu thế chắc chắn chúng ta phải thực hiện và nếu bắt buộc đổi ngay có thể gây tốn kém nhưng phải có lộ trình”, Thứ trưởng Thọ nói.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên